TĂNG HUYẾT ÁP – KẺ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới. Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người mắc.

Theo các chuyên gia y tế, đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Vì vậy đa số những bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp tới khi tình cờ khám sức khỏe, hoặc cho tới khi các biến chứng của bệnh xuất hiện như đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim.

Tăng huyết áp là gì? Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo HA có đơn vị là mmHg, bao gồm 2 thành phần:

  • Trị số HA tâm thu thể hiện khả năng bơm máu của tim
  • Trị số HA tâm trương thể hiện trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu.

Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 đến 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 đến 89 mmHg. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý trong đó trị số HA lúc nghỉ cao hơn mức bình thường: THA tâm thu đơn thuần khi ≥ 140 mmHg, THA tâm trương đơn thuần khi ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Nguyên nhân của Tăng huyết áp? Khoảng 90 – 95% các trường hợp tăng huyết áp không tìm thấy nguyên nhân nhưng có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp. Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được:

  • Thừa cân và béo phì: người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn
  • Ăn nhiều muối
  • Hút thuốc lá: gây co mạch và tăng xơ vữa động mạch
  • Uống rượu nặng và thường xuyên
  • Thiếu vận động: cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân, tăng huyết áp
  • Stress: các căng thẳng trong cuộc sống cũng làm ảnh hưởng tới huyết áp.

Triệu chứng của Tăng huyết áp điển hình Như đã nói ở trên, dấu hiệu tăng huyết áp đôi khi mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác nên người bệnh rất dễ bỏ qua. Tuy nhiên khi huyết áp tăng quá cao có thể có một số dấu hiệu có thể như:

  • Chảy máu mũi: do huyết áp tăng cao một cách đột ngột nên người bệnh bị chảy máu mũi nhiều và khó ngưng.
  • Xuất huyết kết mạc: khi huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu toàn thân và đặc biệt là những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc mắt, khiến chúng bị giãn, nứt vỡ gây chảy máu.
  • Đỏ bừng mặt: Người mắc bệnh cao huyết áp cảm thấy đỏ mặt là do các mạch máu trên mặt giãn ra.
  • Chóng mặt: Chóng mặt là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cao huyết áp. Một số người tình trạng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thường là khi đột ngột ngồi xổm hoặc đứng lên.
  • Đau đầu dữ dội: Đau đầu ở bệnh nhân cao huyết áp chủ yếu xảy ra vào buổi sáng, chủ yếu ở cả hai bên đầu. Cơn đau có đặc điểm là đau nhói từng cơn. Một số người cảm thấy đầu nặng nề hoặc cảm giác có lực kéo ở sau cổ cùng với đau đầu.

Biến chứng của Tăng huyết áp

  • Các biến chứng tim mạch
  • Tăng huyết áp làm cơ tim phì đại
  • Các biến chứng về não: xuất huyết não, nhồi máu não.
  • Các biến chứng về thận: suy thận, tiểu ra protein, hẹp động mạch thận
  • Các biến chứng về mắt: xuất huyết võng mạc, giảm thị lực, nặng có thể gây mù lòa
  • Đột quỵ
  • Biến chứng tiểu đường.

Làm thế nào để có được huyết áp bình thường như mong muốn?

  • Giảm cân nếu bị thừa cân – béo phì

Giảm cân là một trong những cách hiệu quả để ổn định huyết áp. Nghiên cứu cho thấy với mỗi kilogram bạn giảm được, chỉ số huyết áp sẽ giảm bớt khoảng 1mmHg.

  • Tập thể dục thường xuyên

Nhiều nghiên cứu chứng minh vận động ít nhất 150 phút/tuần giúp giảm chỉ số huyết áp từ 5-8mmHg ở những người bị tăng huyết áp. Một số bài tập phù hợp với những người bị tăng huyết áp bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội.

-      Có chế độ ăn uống lành mạnh

  • Hạn chế ăn nhiều muối (muối nêm thêm vào thức ăn và muối có sẵn trong thực phẩm).
  • Hạn chế ăn chất béo, đặt biệt là chất béo bão hòa (mỡ động vật).
  • Bổ sung nhiều rau và trái cây tươi trong khẩu phần ăn.
  • Tăng thực phẩm có nhiều canxi, magiê và kali.
  • Nên tránh uống rượu, caffe, thuốc lá
  • Giảm căng thẳng, stress: Tình trạng căng thẳng mạn tính có thể góp phần làm tăng huyết áp, vì vậy bệnh nhân tăng huyết áp nên thư giãn, giữ tinh thần thoải mái hàng ngày để kiểm soát được bệnh.

Cộng đồng