Những chỉ số sức khỏe cần quan tâm

Những chỉ số sức khỏe cụ thể sẽ cho chúng ta biết chính xác tình hình sức khỏe của mình do đó cần theo dõi các chỉ số này để có sự điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao sức khoẻ bản thân. Dưới đây là 5 chỉ số sức khoẻ quan trọng nhất nên theo dõi thường xuyên.

  1. Huyết áp

Ý nghĩa: Đo mức độ khoẻ mạnh của tim. Huyết áp là đơn vị đo áp lực của máu khi chúng bị đẩy dọc theo các thành động mạch. Con số này miêu tả áp lực khi tim đẩy máu đi (áp lực tâm thu) và khi tim nghỉ giữa những lần đập (áp lực tâm trương). Chỉ số huyết áp càng cao đồng nghĩa với việc tim phải làm việc vất vả hơn để đưa máu đi khắp cơ thể. Điều này tạo ra nguy cơ dễ bị bệnh cao huyết áp hay bị đau tim. Phân độ huyết áp được chia thành các cấp như sau:

  • Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120 – 129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80 – 84 mmHg.
  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160 – 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg và huyết áp tối thiểu < 90 mmHg.

Bạn có thể bị huyết áp cao (tăng huyết áp) trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi không có triệu chứng, tổn thương mạch máu và tim của bạn vẫn tiếp tục và có thể được phát hiện. Huyết áp cao không được kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ.

  • Đau tim hoặc đột quỵ: Huyết áp cao có thể gây cứng và dày lên các động mạch (xơ vữa động mạch), có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.
  • Phình động mạch: Huyết áp tăng có thể khiến các mạch máu của bạn yếu đi và phình ra, hình thành chứng phình động mạch. Nếu một chứng phình động mạch vỡ, nó có thể đe dọa tính mạng.
  • Suy tim. Để bơm máu chống lại áp lực cao hơn trong các mạch máu của bạn, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm cho các thành của buồng bơm của tim dày lên (phì đại thất trái). Cuối cùng, cơ dày có thể khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, điều này có thể dẫn đến suy tim.
  • Suy yếu và thu hẹp các mạch máu trong thận: Điều này có thể ngăn chặn thận và mahj máu hoạt động bình thường.
  • Các mạch máu dày, hẹp hoặc rách trong mắt: Điều này có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Hội chứng chuyển hóa: Hội chứng này là một nhóm các rối loạn chuyển hóa cơ thể của bạn, bao gồm tăng chu vi vòng eo; chất béo trung tính cao; cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) thấp, cholesterol "tốt"; huyết áp cao và nồng độ insulin cao. Những tình trạng này khiến bạn dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
  • Sa sút trí tuệ: Các động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến một loại chứng mất trí nhớ (chứng mất trí nhớ mạch máu). Đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu đến não cũng có thể gây ra chứng mất trí nhớ mạch máu.

2.      Cholesterol máu

Cholesterol: là lượng chất béo trong máu (đơn vị đo là miligram (mg) / deciliter (dl)). LDL (low- density lipoprotein) là loại cholesterol “xấu” vì chúng góp phần làm hình thành các mảng bám ở động mạch. Nếu nồng độ LDL trong máu quá cao có nguy cơ gây vữa xơ mạch máu, làm hẹp lòng mạch, hạn chế dòng chảy của máu làm tăng nguy cơ tạo thành cục máu đông (có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ). - Mức bình thường là: <130 mg/dL (<3,3 mmol/L). - Ngưỡng hại cho sức khỏe là: > 160 mg/dL (>4.1mmol/lit). HDL (high- density lipoproteine) là loại cholesterol “tốt” vì chúng giúp đưa các LDL ra khỏi động mạch. Do đó nếu có nồng độ HDL cholesterol cao sẽ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, từ đó giảm các biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ - Chỉ số bình thường: > 50 mg/dL (>1.3mmol/lit). - Ngưỡng gây hại cho sức khỏe là: dưới 40 mg/dL (<1 mmol/lit).

3. Nhịp tim 60 nhịp trong một phút (bpm)

- Ý nghĩa: Số lần đập của tim trong một phút khi bạn đang nghỉ ngơi (từ 60 lần/ 1 phút trở xuống được xem là khoẻ mạnh). Nhịp tim đập càng nhanh (trong lúc đang nghỉ ngơi) có nghĩa là tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu. Nhịp tim cao sẽ làm cơ thể phải hoàn thành các công việc rất đơn giản hàng ngày (như ăn sáng hay mở nắp chai nước...) khó khăn hơn nhiều. Kết quả là người bệnh bị tổn thương, mệt mỏi, căng thẳng ở tim và mạch máu (do làm việc quá sức). Một vài nguyên nhân thường gặp gây ra nhịp tim nhanh:

  • Xúc động mạnh, căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ.
  • Trầm cảm.
  • Tập luyện thể lực nặng.
  • Dùng chất kích thích ví dụ: caffeine, nicotine, cocaine, amphetamines, thuốc cảm cúm, thuốc ho có chứa peudoephedrine.
  • Sốt.
  • Thay đổi hormone do rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang mang thai.
  • Cường giáp, suy giáp.
  • Vô tình nhịp tim nhanh có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn ví dụ rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp tim là một thuật ngữ chuyên ngành để chỉ tình trạng cơn nhịp nhanh, hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm, hoặc nhịp tim không đều.

Nhịp tim chậm là khi nhịp tim dưới 60 lần có thể là dấu hiệu của sự bất thường trong hệ thống dẫn truyền xung điện của tim, nghĩa là vị trí phát xung điện tự nhiên của tim - nút xoang (sinoatrial node - SA), hoạt động không bình thường, hoặc con đường dẫn truyền xung điện trong tim vì một nguyên nhân nào đó bị thương tổn, không còn nguyên vẹn. Nhịp tim chậm có thể do nhiều yếu tố và nguyên nhân gây ra. Nhịp tim chậm có thể là bình thường (đặc biệt là đối với người trẻ tuổi rất khỏe mạnh), nhưng cũng có thể do những nguyên nhân bất thường gây ra:

  • Sự dẫn truyền bất thường của xung điện trong tim, rối loạn nhịp tim.
  • Những tổn thương thực thể của tim do nhồi máu cơ tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Các bệnh lý tim bẩm sinh.
  • Nhiễm khuẩn cơ tim (viêm cơ tim).
  • Biến chứng của phẫu thuật tim.
  • Thiểu năng tuyến giáp.
  • Sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh, ví dụ như thuốc chẹn beta, digoxin,...

Với đa số mọi người, nhịp tim chậm không gây ra bất kì biến chứng nào. Biến chứng xảy ra sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân nền khiến tim đập chậm. Nếu nhịp tim chậm ở mức độ nghiêm trọng mà không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề, bao gồm ngất xỉu, co giật, thậm chí đe dọa tử vong.

4. Vòng eo không quá 90 cm đối với nữ giới và 100 cm đối với nam giới

Vòng 2 có thể báo trước nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khoẻ như các bệnh về tim mạch, tiểu đường... tốt hơn các phương pháp kiểm tra khác như cân nặng hay theo dõi chỉ số cơ thể BMI. Chỉ cần giảm 2,5 cm ở vòng eo đã giúp trái tim của mình khoẻ hơn rất nhiều. Cách đo vòng eo vô cùng đơn giản: dùng thước dây đo quanh eo ở nơi nhỏ nhất. Những người có vòng eo lớn hơn 90 cm đối với nữ giới và 100 cm đối với nam giới đều phải chú ý đến sức khoẻ của bản thân nhiều hơn và cố gắng tập luyện để giảm cân (giảm cả vòng eo).

5. Lượng đường huyết từ 80 mg/ dl đến 100 mg/ dl

Đường huyết: Lượng đường glucose có trong máu sau khi ngủ dậy hoặc sau khi nhịn đói khoảng 8 giờ. Việc kiểm tra lượng đường (hay mức glucose) trong máu là một việc nên làm để biết được khả năng hấp thụ lượng đường của cơ thể và xem xét liệu cơ thể có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không? Nếu chỉ số đường huyết trên 100 mg/ dl tức là đang trong giai đoạn có nguy cơ bị bệnh. Đây là thời điểm lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng không quá cao tới mức để kết luận bị bệnh tiểu đường. Nếu lượng đường huyết nằm ở mức từ 126 mg/ dl trở lên thì chắc chắn đã bị tiểu đường type 1 hoặc 2 và bắt buộc phải điều bị bệnh ngay lập tức. Các biến chứng của bệnh tiểu đường

  • Biến chứng mạn tính
  • Bệnh về mắt: Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến hệ thống mao mạch ở phần đáy nhãn cầu bị tổn thương. Điều này khiến cho thị lực của người bệnh tiểu đường có dấu hiệu suy giảm theo cấp độ bệnh. Những biến chứng đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... thậm chí mất thị lực có tỷ lệ xuất hiện ở bệnh nhân này cao hơn.
  • Bệnh về thận: Các vi mạch máu trong thận bị ảnh hưởng do lượng đường trong máu mất cân bằng làm cho hiệu quả lọc thận kém hiệu quả. Chứng suy thận là một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường thường gặp nhất.
  • Bệnh về thần kinh: Một trong các biến chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu là các dấu hiệu liên quan đến thần kinh như tê bì tay chân, thường xuyên tiết mồ hôi, chóng mặt…

  • Bệnh về tim mạch: Khi bệnh tim mạch gây ra những biến chứng đối với các bộ phận trong cơ thể sẽ ảnh hưởng hệ lụy đến chức năng hoạt động của tim. Dễ gặp nhất chính là rối loạn nhịp tim, tắc nghẽn mạch máu, cao huyết áp…
  • Biến chứng nhiễm trùng: Khi đường trong máu cao khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi và không thể tạo ra lớp rào chắn bảo vệ khỏi vi khuẩn, vi rút. Chính vì thế, người mắc bệnh tiểu đường thường dễ gặp nhiễm trùng ở các vết thương hở hoặc bên trong cơ thể.
  • Biến chứng cấp tính
  • Đường huyết hạ đột ngột dưới mức giới hạn khoảng 3.6 mmol/l thường do người bệnh sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, ăn uống thiếu chất, sử dụng nhiều chất kích thích khi điều trị bệnh. Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết là tay chân bủn rủn, xây sẩy, chóng mặt, bụng đói cồn cào, tim đập nhanh…
  • Đường huyết tăng không kiểm soát gây hôn mê: là biến chứng nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời. Nhiễm toan ceton hoặc hội chứng hyperosmolar do tiểu đường là nguyên nhân khiến cho lượng đường trong máu tăng cao. Lúc này máu sẽ bị cô đặc do chứa nhiều đường và chúng sẽ đi vào nước tiểu tạo ra sự đào thải nước ra khỏi cơ thể. Vì thế, cơ thể bị thiếu nước, mất năng lượng và rơi vào trạng thái hôn mê.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ chính là một trong những phương pháp giúp mỗi người kiểm soát được thể trạng của mình để duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Tại hệ thống Nhà thuốc Sức khỏe xanh có đo huyết áp, tiểu đường miễn phí với kết quả chính xác, nhanh chóng giúp chẩn đoán, phòng ngừa bệnh cũng như cung cấp những tư vấn chăm sóc sức khỏe đến từ các dược sĩ có nhiều năm kinh nghiệm.

Cộng đồng