Langya virus – hiểm họa mới rình rập nhân loại

Trong khi mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 và từ dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang gây lo ngại thì lại xuất hiện thêm một nỗi lo về y tế: Một loại virus mới có tên Langya henipavirus (còn được gọi là virus Langya, viết tắt là LayV) lây từ động vật sang người được phát hiện ở Trung Quốc (TQ). Tính đến ngày 9/8/2022, đã có khoảng 35 nông dân Trung Quốc được xác định là nhiễm virus Langya, theo CNN. 1. Virus Langya là gì? Virus Langya được tìm thấy trong dịch họng của bệnh nhân có triệu chứng sốt và có tiền sử tiếp xúc với động vật. Virus gồm 18.402 nucleotide, có tổ chức gen giống với các loại virus khác thuộc họ Henipavirus đã được phát hiện trước đây ở Vân Nam, Mặc Giang, Trung Quốc. Langya virus lần đầu được phát hiện vào cuối năm 2018, nhưng chỉ chính thức được xác nhận gần đây. Nguồn gốc của Langya virus cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng, vì RNA của virus chủ yếu được tìm thấy ở chuột chù nên có thể đây là vật chủ tự nhiên của virus và cũng đồng nghĩa với việc virus có thể lây truyền từ động vật sang người. Theo giả thuyết của các nhà khoa học, chuột chù có thể đã lưu trữ virus trước khi virus lây nhiễm sang con người. Theo một cuộc khảo sát huyết thanh học, người ta phát hiện ra 2% số dê, 5% số chó và 27% số chuột chù được thử nghiệm dương tính với virus. Việc giải trình tự gen của virus tiến hành sau đó cho thấy, Langya Henipavirus là một phần của chi Henipavirus gồm 5 chủng: Hendra, Nipah, Mojiang, Cedar (virus tuyết tùng) và Kumasi henipavirus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, Hendra và Nipah là 2 chủng virus có độc lực và có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao. Henipavirus chủ yếu được tìm thấy ở dơi, chuột cống ở Trung Quốc và chuột chù ở Zambia. Virus lây truyền từ động vật sang người, có khả năng gây suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng và các bệnh thần kinh ở người. 2. Langya virus có nguy hiểm không? Theo WHO, Henipavirus có khả năng gây bệnh nặng cho cả người và động vật. Virus được phân loại là virus an toàn sinh học cấp độ 4, có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 75%. Nguy hiểm hơn, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và phương pháp điều trị đặc hiệu cho chủng virus này. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu là chăm sóc và hỗ trợ để kiểm soát biến chứng. Theo Giáo sư Wang Linfa thuộc Chương trình Các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS: “Đây là tình trạng đáng báo động vì các loại virus tồn tại trong tự nhiên có kết quả không thể dự đoán khi lây nhiễm sang người”. Theo bác sĩ Wang Xinyu, Phó trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Huashan thuộc Đại học Fudan: “Coronavirus không phải là căn bệnh truyền nhiễm cuối cùng gây đại dịch trên toàn thế giới, vì các bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng ngày càng tác động lớn hơn đến sức khỏe và cuộc sống của con người”. Trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa và kết nối với nhau, các loại virus và bệnh truyền nhiễm mới nổi càng cần phải được quan tâm, chú trọng; chỉ một sơ suất nhỏ, dịch bệnh có thể nhanh chóng lan truyền trên toàn thế giới. Đặc biệt là các mầm bệnh nguy cơ cao như Henipavirus do dơi truyền hoặc virus Ebola (EBOV) là sự đe dọa đối với các nước đang phát triển, có khả năng dẫn đến khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do thiếu nhận thức về bệnh tật, thiếu giám sát hoặc thiếu hệ thống chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

3. Triệu chứng khi nhiễm Langya henipavirus

Theo ghi nhận, 26 trong số 35 ca bệnh nhiễm Langya Henipavirus ở Sơn Đông và Hà Nam xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như bệnh cúm: sốt, ho, khó chịu, chán ăn, đau cơ, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau khi theo dõi các triệu chứng ở bệnh nhân nhiễm virus Langya, các nhà khoa học nhận thấy triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là sốt, tiếp theo là ho (50%), mệt mỏi (54%), chán ăn (50%), đau cơ (46%) và nôn (38%). Các triệu chứng trên có thể tiến triển thành viêm não, lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê. Viêm não tái phát và khởi phát muộn, có thể xảy ra trong vòng vài tháng cho đến vài năm sau giai đoạn mắc bệnh cấp tính. Một số người cũng có thể gặp các triệu chứng hô hấp. Dù virus Langya có nguồn gốc từ một loại virus có tỷ lệ tử vong cao (đến 75%), nhưng đến nay chưa có trường hợp nhiễm virus nào tử vong. 4. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm Langya henipavirus. Hiện nay vẫn chưa có Vaccin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu Langya henipavirus. Vì vậy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa vẫn là cách chính để hạn chế sự lây lan Langya henipavirus trong cộng đồng. Để phòng ngừa lây nhiễm virus Langya, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn như trang bị bảo hộ cá nhân và vệ sinh sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh. Cần cách ly nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc giữa bệnh nhân và người chăm sóc qua dịch cơ thể. Trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về sự tồn tại của virus qua vật trung gian truyền bệnh hay vật chủ chứa mầm mống gây bệnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh. Thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên, chọn những không gian mở, thông thoáng, mở cửa sổ khi ở trong nhà… Langya henipavirus có độc lực mạnh hơn virus Corona, có khả năng gây bệnh nặng ở người và động vật. Tại thời điểm hiện tại vẫn chưa có dữ liệu ghi nhận các ca tử vong ở người nhiễm Langya henipavirus, nhưng cũng không nên vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng bệnh, tạo cơ hội cho bệnh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch trên toàn cầu.

 Ds. Nguyễn Duy Dư (st)

Cộng đồng