DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRẺ SƠ SINH BỊ VIÊM TAI GIỮA

Bệnh viêm tai giữa là một trong những bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp ở trẻ nhỏ và nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng cực kì nguy hiểm và khó khắc phục như viêm màng não, áp xe não, gây liệt dây thần kinh số 7. Vậy nguyên nhân của viêm tai giữa là gì? Bố mẹ cần quan sát những triệu chứng nào để biết con bị viêm tai giữa? Hãy cùng chuyên gia tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

1. Tại sao trẻ lại bị viêm tai giữa? Những tác nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn (phế cầu, Haemophilus influenzae, liên cầu khuẩn nhóm A, tụ cầu vàng), hoặc do virus hợp bào hô hấp. Bé thường xảy ra tình trạng viêm tai giữa sau đợt cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau (viêm VA), vùng họng và vòi nhĩ.

  • Vòi nhĩ (vòi Eustachian): Là một ống vòi tai có kích thước rất hẹp, nối tai giữa và vòm họng. Vòi nhĩ làm nhiệm vụ điều chỉnh áp suất không khí và làm mới không khí trong tai, đồng thời thoát chất tiết bình thường từ tai giữa. Khi vòi nhĩ bị sưng có thể làm tắc nghẽn, khiến chất lỏng tích tụ trong tai giữa gây nhiễm trùng. Ở trẻ em, các vòi nhĩ chưa phát triển nên thường hẹp và nằm ngang hơn, khiến cho việc thoát nước khó khăn dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tai giữa.
  • VA (Adenoids): Là mô lympho nhỏ nằm ở phía sau mũi, có vai trò trong hoạt động như một hệ miễn dịch. Do VA nằm gần chỗ mở của các vòi nhĩ, nên khi VA bị viêm sưng to, có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa. Viêm tai giữa do viêm VA thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

2. Triệu chứng viêm tai giữa

  • Trẻ bị sốt cao 39-40oC, quấy khóc, không chịu ăn uống, bỏ bú, nôn trớ, co giật…
  • Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sẽ có hiện tượng trẻ bấu hoặc dụi vào tai nhiều lần
  • Trẻ lớn biết nói sẽ kêu đau tai, nhiều trẻ sẽ bị giảm thính lực, nghe không rõ
  • Trẻ sẽ bị rối loạn hệ tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa, biểu hiện này xuất hiện đồng thời với sốt
  • Trằn trọc, khó ngủ, bứt rứt
  • Trẻ bị mất thăng bằng, hay nghiêng đầu sang một bên.
  • Nếu không kịp điều trị bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính sau 2-3 ngày.
  • Lúc này, tai sẽ xuất hiện hiện tượng chảy mủ, chảy nước do màng tai đã bị vỡ, mủ tự chảy ra ngoài, trẻ sẽ có các biểu hiện sau:
  • Trẻ hạ sốt
  • Bớt quấy khóc
  • Không còn bứt rứt hay kêu đau tai nữa
  • Chảy mủ tai.

3. Điều trị viêm tai giữa như thế nào?

  • Bệnh viêm tai giữa có thể tự hết khi không dùng kháng sinh. Ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ kê đơn bao gồm các loại thuốc giảm đau, chống viêm, hạ sốt, thuốc nhỏ tai. Nếu bé bị rối loạn tiêu hóa, bác sĩ cũng sẽ kê thêm các loại thuốc dùng để trị rối loạn tiêu hóa.
  • Nếu sau 1-2 ngày mà bệnh tình có dấu hiệu chuyển biến nặng thì sẽ dùng đến kháng sinh.
  • Những trường hợp nặng hơn khi soi tai thấy mủ, bệnh tính không thuyên giảm thì bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật rạch màng nhĩ hoặc trích hút dịch. Việc rạch màng nhĩ để tháo mủ ra, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng vì rạch tháo mũ sớm sẽ tốt hơn là để màng nhĩ tự thủng. Màng nhĩ sau khi rạch sẽ tự lành rất nhanh, chỉ mất khoảng 2 ngày, còn tự vỡ thì tổn thương sẽ lớn hơn, thời gian làm lành vết thương sẽ lâu hơn.

--------------

Cộng đồng