ĐAU CĂNG CƠ – TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH XỬ TRÍ HIỆU QUẢ

Đau căng cơ thường gặp ở bất kỳ đối tượng nào, bệnh có thể dễ gây nhầm lẫn với nhiều hội chứng đau phổ biến khác. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Chúng ta cần tìm hiểu rõ để chủ động phòng tránh căng cơ, hoặc chẩn đoán và điều trị kịp thời khi mắc phải. 1. Đau căng cơ là gì? Căng cơ là tình trạng các thớ cơ bắp bị căng giãn quá mức chịu đựng bình thường. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy bị căng cơ sau khi hoạt động thể chất, tập luyện thể thao hoặc khi mang vác vật nặng sai tư thế. Các vùng bị căng cơ sẽ xuất hiện cơn đau, có khuynh hướng sưng lên và những vết bầm tím có thể xuất hiện đi kèm. Trường hợp căng cơ ít nghiêm trọng thường kéo cơ ra khỏi quỹ đạo bình thường. Các trường hợp nghiêm trọng hơn thường xé sợi cơ và thậm chí có thể gây ra rách cơ hoàn toàn. Thông thường, căng cơ bắp chân xuất hiện sự rách nhỏ ở một số sợi cơ, nhưng phần lớn các mô cơ vẫn còn nguyên vẹn. 2. Các vị trí – đối tượng dễ bị căng cơ Đau căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào nhưng chúng phổ biến nhất ở vùng lưng, cổ gáy, vai và cơ phía sau đùi. Đối tượng dễ bị căng cơ thường là những người trẻ trong độ tuổi 22-35, chủ yếu:

  • Nhân viên văn phòng
  • Vận động viên thể thao hoặc người tập luyện quá mức
  • Người lao động quá mức hoặc làm công việc nặng nhọc

3. Nguyên nhân gây đau căng cơ. Căng cơ do vận động, tập luyện ở cường động cao:

  • Các cơ bắp sử dụng quá mức như bê vác vật nặng, không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến tình trạng vượt mức chịu đựng của cơ.
  • Cơ bắp thiếu sự linh hoạt, mềm dẻo, hoặc do không khởi động cơ bắp cẩn thận trước khi vận động thể chất.

Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác:

  • Chấn thương thể thao: trượt chân, nhảy, chạy, ném một vật sai tư thế, mất thăng bằng.
  • Thời tiết cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng căng cơ cấp tình bởi khi nhiệt độ giảm thấp có thể khiến các cơ bắp bị co cứng.

4. Các triệu chứng – biến chứng của đau căng cơ Triệu chứng:

  • Tại vùng bị căng cơ: có triệu chứng đau.

Các cơ đau đột ngột còn có thể có thêm các triệu chứng: đỏ, sưng tấy. Đó là do rách cơ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, chảy máu cục bộ.

  • Cơn đau vẫn xuất hiện khi ngồi hoặc nghỉ ngơi, thấy khó khăn vận động, sự thiếu linh hoạt rõ ràng.
  • Khó cử động, chuột rút. Nếu căng cơ ở mức độ nặng, người bệnh rất đau và không cử động được, mất khả năng đi lại.
  • Gân và cơ yếu, không có lực.
  • Ngoài ra, do những cơn đau có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, khiến bệnh nhân mất ngủ, mệt mỏi, không thể tập trung, qua đó hiệu suất công việc cũng bị giảm sút.

Biến chứng: Căng cơ trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng chèn ép xương, khớp và là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng. Đây chính là biến chứng của tình trạng đau và căng cơ rất phổ biến. 5. Cách điều trị đau căng cơ Hầu hết các trường hợp căng cơ từ nhẹ đến vừa đều có thể tự khỏi và có thể tự điều trị tại nhà bằng cách: chườm lạnh, băng cố định và nghỉ ngơi và sử dụng thuốc nếu cần.

  • Chườm lạnh: Là phương pháp giúp các mạch máu co lại, giảm lưu thông máu, hạn chế ứ dịch ở khu vực bị tổn thương, xoa dịu cơn đau và giảm sưng tấy.

Cách chườm: dùng khăn bọc đá hoặc dùng túi chườm chuyên dụng cho đá lạnh vào. Đắp tại vị trí đau 10-15 phút/ lần. và lặp lại nhiều lần trong ngày (mỗi lần chườm cách nhau ít nhất 1h).

  • Băng bó: Nên sử dụng băng bó đàn hồi để cố định vị trí căng cơ cho đến khi giảm sưng tấy.

Lưu ý: Không nên quấn chặt tay, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Ngoài ra, cần kê cao vùng đau bất cứ khi nào có thể, hãy giữ cho phần cơ bị thương được nâng cao hơn so với tim.

  • Nghỉ ngơi: Tránh sử dụng cơ trong vài ngày, đặc biệt nếu cử động làm tăng cơn đau. Nhưng bất động quá nhiều có thể khiến cơ bắp trở nên yếu đi. Sau vài ngày khi cơn đau đã giảm, hãy từ từ bắt đầu sử dụng nhóm cơ bị ảnh hưởng, chú ý không vận động quá sức.
  • Sử dụng thuốc:
  • Thuốc giảm đau (Paracetamol hoặc NSAID, Tramadol),
  • Thuốc chống viêm corticoid.
  • Thuốc giãn cơ (Myonal, Mydocalm…)
  • Thuốc kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm trùng.

Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc khi được người có chuyên môn hướng dẫn (là bác sỹ hoặc dược sỹ) Tùy từng mức độ chấn thương sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Khi gặp phải các chấn thương trên, bạn nên tới các cơ sở y tế, để được thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. 6. Khi nào cần gặp bác sỹ?

    • Nếu tình trạng bệnh nhân sau 1 tuần điều trị tại nhà vẫn không thuyên giảm, kèm theo những triệu chứng nóng, đỏ vùng tổn thương.
  • Chóng mặt, khó thở.
  • Đau nhức dữ dội khi vận động các nhóm cơ tổn thương, khó vận động, đi lại khó khăn.

7. Những điều không nên làm khi bị căng cơ

  • Không chườm nóng, không dùng dầu và rượu xoa bóp vùng cơ bị tổn thương: Hai liệu pháp này đều sẽ khiến các dây chằng bị xơ chai, mất tính đàn hồi vốn có. Từ đó, các cơ sẽ trở nên yếu hơn và rất dễ bị chấn thương lại nếu hoạt động mạnh.
  • Không vận động mạnh: Cần tránh tất cả những loại hình thể thao cường độ mạnh nào trong khoảng thời gian này bởi các cơ cần được nghỉ ngơi và phục hồi. Bạn cũng cần chú ý đến khối lượng tập luyện và nghỉ ngơi sau khi phục hồi trở lại để tránh các biến chứng có thể xảy đến.
  • Cần tránh tham gia vào các hoạt động làm tăng cơn đau liên quan đến phần cơ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như: nên ngừng hoạt động tập luyện như đạp xe, chạy bộ, nhảy... một thời gian gian nếu bị căng cơ bắp chân.

8. Những biện pháp phòng ngừa tránh tái diễn căng cơ                    Chế độ sinh hoạt tốt khoa học sẽ giúp hạn chế tái diễn căng cơ

  • Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sự linh hoạt các cơ.
  • Khởi động trước khi vận động thể thao hay lao động hay tập thể dục: giúp lưu lượng máu tăng lên, lượng oxy đến các tế bào cũng sẽ tăng lên, góp phần ngăn chặn sự hình thành và tích tụ các chất thải không mong muốn, giúp không gây đau cơ.
  • Tập đúng kỹ thuật. Khi kết thúc vận động nên có các bài tập nguội bằng các bài tập giãn cơ.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: giữa các bài tập luyện khi sử dụng cùng 1 nhóm cơ, nên có thời gian nghỉ tập ít nhất 48 tiếng.
  • Không vận động quá sức: Tập luyện thể thao là một quá trình để các cơ làm quen với cường độ. Nếu cố gắng tăng cường độ tập luyện hoặc tập quá sức, vượt ngoài khả năng sẽ dễ gây chấn thương.
  • Không ngồi lâu ở một vị trí.
  • Giữ đúng tư thế khi: đứng, ngồi để tránh căng cơ lưng, bắp chân và cổ .
  • Mang giày thoải mái khi vận động.
  • Tránh để tăng cân nhiều, béo phì.
  • Chú ý những nơi như: cầu thang, chỗ trơn trượt và chỗ nhiều đồ đạc vật dụng tráng té ngã.

Cộng đồng