CÁCH SỬ DỤNG PARACETAMOL

Paracetamol là hoạt chất được biết đến và sử dụng rộng rãi để giảm đau và hạ sốt. Chính vì vậy Paracetamol rất phổ biến trên thị trường với nhiều chế phẩm có dạng bào chế và hàm lượng từ thấp đến cao.

CÁC DẠNG CHẾ PHẨM CÓ PARACETAMOL PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Hiện nay có nhiều dạng chế phẩm có Paracetamol được sử dụng phố biến với nhưng chỉ định khác nhau để điều trị nhiều nhóm bệnh lý.

1. Paracetamol + Clopheniramin (Hacold, Pamin, Pacemin, Coldacmin, Slocol) Chỉ định: Trị nóng sốt, cảm, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng, nhức đầu…

2. Paracetamol + Ibuprofen (Alaxan, Ibuparavic, Dibulaxan, Hapacol đau nhức) Chỉ định: Viêm bao khớp, đau lưng, đau cơ, nhức mỏi, đau bụng kinh, đau răng, hạ sốt…

3. Paracetamol + Codein (Efferalgan Codein, Hapacol Codein Nucofed, Nymxin) Chỉ định: Ho, sốt, sổ mũi, nhức đầu, đau nhức cơ, xương, khớp…

4. Paracetamol + Clorpheniramin + Dextromethorphan (Hapacol CF) Chỉ định: Các triệu chứng cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi theo mùa…

5. Paracetamol + Ibuprofen + Caffeine (Glotasic) Chỉ định: Viêm đau cơ, xương, khớp, chấn thương, viêm gân, trật khớp…

6. Paracetamol + Dextromethorphan hydrochloride + Pseudoephedrine hydrochloride (Coldflu-D) Chỉ định: Làm giảm các triệu chứng trong cảm cúm như đau đầu, nhức mỏi, sốt, đau, sung huyết mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, ho.

7. Paracetamol + Pseudoephedrin + Clorpheniramin (Vacodol, Datacol, Tiffy) Chỉ định: Các triệu chứng cảm thông thường, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm màng nhầy xuất tiết do cúm, viêm xoang & các rối loạn của đường hô hấp trên.

8. Paracetamol + Chlorpheniramine + Phenylpropanolamine + Dextromethorphan (Captussin, Bifacold, Dotoux) Chỉ định: Làm giảm tạm thời sung huyết mũi, sổ mũi, hắt hơi, ngứa & chảy nước mắt, ho, đau họng, nhức đầu, đau mình & sốt do cảm lạnh, sốt rơm hay các chứng dị ứng đường hô hấp trên.

9. Paracetamol + Oxomemazin + Guaifenesin + Natribenzoat (Toplexil, Toprevin, Toplexil) Chỉ định: Ðiều trị các chứng ho khan, nhất là ho do dị ứng và ho do kích ứng ở người lớn và trẻ em > 1 tuổi.

PARACETAMOL NÊN DÙNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

- Paracetamol là thành phần có trong rất nhiều loại thuốc. Do đó, nếu bạn sử dụng một số loại thuốc cùng nhau có thể vô tình khiến lượng Paracetamol nạp vào cơ thể vượt quá mức cho phép. - Tùy vào từng độ tuổi, cân nặng và tình trạng bệnh để lựa chọn liều dùng thuốc phù hợp, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng. Hàm lượng paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ là không quá 4g/24 giờ với người trưởng thành, và liều của trẻ em tính theo cân nặng và độ tuổi, thường từ 10-20mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách 4-6 giờ. - Với trẻ em (lưu ý với trẻ em dưới 2 tuổi nên dùng theo chỉ định của bác sĩ) nên lựa chọn các dạng bột pha uống, dung dịch uống hoặc viên đặt trực tràng khi người bệnh không uống được hoặc nôn trớ nhiều… người lớn có thể sử dụng dạng viên nén, viên nang hay viên sủi … - Đa số các trường hợp, sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà, trẻ nên được dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5oC. Trường hợp bé sốt nhẹ (dưới 38,5oC) và không có hiện tượng khó chịu, lờ đờ, li bì, nôn thì chưa cần uống thuốc hạ sốt, nên lau người và uống nhiều nước ấm. Riêng trẻ nhỏ có bệnh lý về gan, vàng da do tắc mật... không được tự ý dùng thuốc tại nhà. - Trường hợp trẻ dưới 4 tháng tuổi nếu thân nhiệt trên 38 oC; trẻ trên 4 tháng tuổi sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân trên 24 giờ; uống thuốc hạ sốt không có tác dụng hoặc khi dùng thuốc thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn, da xanh, ngủ li bì, phát ban, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. (Sưu tầm)

Cộng đồng