Bệnh chân tay miệng ở trẻ em – Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em – Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan. Tăng cường hiểu biết đúng về bệnh tay chân miệng để có ứng phó thích hợp ở cả khía cạnh từ cá nhân, đến hộ gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.

1. Nguyên nhân gây bênh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do các chủng virus thuộc họ virus đường ruột (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Hai nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây là nhóm virus có khả năng tồn tại bền bỉ, từ nhiệt độ lạnh đến rất cao. Ở nhiệt độ lạnh - 40 độ C, virus có thể tồn tại đến 3 tuần ngoài môi trường và trong 30 phút virus mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 560 độ C; Virus này tồn tại ở bề mặt các vật dụng trong môi trường sinh hoạt chung nơi có người bệnh như vật dụng ăn uống, mặt bàn, ghế, giường, đồ chơi chung … Virus gây bệnh tay chân miệng dễ lây từ người sang người, chúng có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải virus gây bệnh. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu thông qua bàn tay, rồi đưa lên miệng, và nuốt phải virus. Chuyên môn gọi là lây truyền qua "tiếp xúc". Do đó tay chân miệng là bệnh rất dễ lây lan thành dịch.

2. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.

Thời gian ủ bệnh và dấu hiệu

- Sau khi nuốt phải virus gây bệnh và trải qua thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng với biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Loét miệng là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh này. Vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Số lượng từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 mm – 3 mm. Loét miệng khiến trẻ đau rát khi ăn, bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt. Sốt: Hầu hết trẻ chỉ sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5°C – 38° C. Khi trẻ bị sốt cao trên 39° C liên tục từ 2 ngày trở lên là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ có thể có biến chứng nghiêm trọng, cần phải nhập viện để theo dõi điều trị. - Trẻ bị tiêu chảy, trên mông xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da. - Rối loạn tri giác, mê sảng. Nhận biết sớm được tình trạng bệnh nặng của trẻ mắc tay chân miệng để có kịp thời điều trị, chăm sóc, can thiệp là cách tốt nhất hạn chế các biến chứng và nguy cơ tử vong của trẻ bệnh.

3. Biến chứng của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng có khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Như là biến chứng viêm màng não, viêm não do virus, hoặc tổn thương cơ tim.

4. Phương pháp điều trị và chủ động phòng ngừa.

Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

Điều trị sốt và loét miệng

  • Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5oC trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).
  • Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit).
  • Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm...
  • Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee...) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

Khi có triệu chứng não - màng não

  • Cần dùng thuốc chống co giật: phenobarbital.
  • Dùng kháng sinh: Cefotaxim điều trị như viêm màng não vi khuẩn.
  • Theo dõi sát các triệu chứng hô hấp.

Triệu chứng màng não - não kèm liệt, rối loạn tri giác

  • Thuốc chống co giật.
  • Kháng sinh: cefotaxim hoặc ceftriaxon.
  • Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đường máu.
  • Theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác, SpO2.

Suy hô hấp, trụy tim mạch

  • Điều trị suy hô hấp: thông đường thở, thở ôxy, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm - toan (nếu có).
  • Điều trị sốc.
  • Điều trị bằng kháng sinh như trên.

Ngoài ra, đối với các trường hợp có biến chứng thần kinh, rối loạn tri giác có chỉ định điều trị bằng gammaglobulin trong 6-8 giờ, 2 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ hiệu quả chắc chắn của biện pháp điều trị này.

Để phòng bệnh phụ huynh cần lưu ý:

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là phòng không đặc hiệu vì hiện nay chưa có vaccin dự phòng.

  • Tuân thủ nguyên tắc vệ sinh cá nhân, nhất là thói quen rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc dịch tiết, chất thải của trẻ bệnh.
  • Khử trùng dụng cụ, đồ chơi cho trẻ bằng dung dịch khử khuẩn (cloramin B).
  • Cách ly trẻ ngay khi phát hiện triệu chứng sớm nhất và đặc biệt trong tuần đầu của bệnh.
  • Tăng cường dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
  1. Lưu ý đặc biệt: Đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế đảm trách việc điều trị bệnh nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:

- Sốt cao liên tục 39oC không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực. - Giật mình chới với, hốt hỏang, thất thần. - Run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm). - Yếu chi. - Trẻ đi đứng loạng choạng. - Trẻ đảo mắt bất thường. - Nôn ói nhiều. - Quấy khóc (dỗ không nín). - Co giật. - Thở mệt. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý. (Nguồn: sưu tầm)

Cộng đồng